DNews

Một "cục diện mới" đang thành hình trên vùng đất Trung Đông?

Nguyên Long

(Dân trí) - Các hành động "nóng" của Israel và Iran gần đây đang đẩy hai nước lún sâu vào vòng xoáy thù hận, đồng thời tạo ra một "cục diện mới" ở Trung Đông và đẩy vùng đất này đến bờ vực một cuộc chiến khu vực.

Một "cục diện mới" đang thành hình trên vùng đất Trung Đông?

Tình hình an ninh ở Trung Đông đã rơi vào vòng xoáy đi xuống kể từ ngày 07/10/2023, khi lực lượng Hamas tấn công Israel, đang ngày càng diễn biến nguy hiểm với các hành động "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và Iran, đẩy khu vực đứng bên bờ vực một cuộc chiến toàn diện. Sau hàng loạt mâu thuẫn tích tụ từ lâu, nhất là sau khi Iran cáo buộc Israel tấn công Đại sứ quán Iran tại Damascus (Syria) khiến một chuẩn tướng của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và 11 người khác thiệt mạng, Iran đã tấn công Israel bằng hàng loạt UAV và tên lửa hôm 13/4.

Đến ngày 19/4, Israel được cho là đã đáp trả Iran với các cuộc tấn công vào thành phố Isfahan nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng.

Cuộc tấn công "ăn miếng, trả miếng" của Iran và Israel đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới trong khu vực, đẩy vùng đất Trung Đông đầy bất ổn vào tình thế nghiêm trọng và cho thấy dường như một "cục diện mới" trong khu vực đang thành hình.

"Cục diện mới" đang thành hình?

Một cục diện mới đang thành hình trên vùng đất Trung Đông? - 1

Tên lửa của Iran phóng về phía Israel trong vụ tấn công vào rạng sáng ngày 14/4 (Ảnh: AFP).

"Cuộc chiến bóng tối" đang diễn ra giữa Iran và Israel đã được công khai với việc Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp vào Israel bằng hàng trăm UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đây là cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ trong cuộc đối đầu gay gắt hàng thập kỷ giữa hai kẻ thù truyền kiếp, vì Iran không dựa vào mạng lưới lực lượng ủy nhiệm thông thường như Hezbollah ở Lebanon hay Houthis ở Yemen. Cuộc tấn công này đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa một bên là Iran và các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực, với một bên là Israel và các đồng minh, bao gồm Mỹ.

Theo ông Ali Vaez - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Iran của Tổ chức Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG), Iran và Israel đang kéo toàn bộ khu vực vào tình huống chưa từng có tiền lệ. Một cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Iran có thể "mở chiếc hộp Pandora dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn" ở Trung Đông. Đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm và những hậu quả tiềm tàng đều là thảm họa.

Các chuyên gia về Trung Đông đánh giá, các màn so kè giữa Iran và Israel đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng hơn cho dù gần như không một bên nào mong muốn. Hơn nữa, những diễn biến vừa qua còn cho thấy, cấu trúc quyền lực và mâu thuẫn ở Trung Đông hiện đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu sắc và dường như một "cục diện mới" đang thành hình ở một trong những vùng đất bất ổn nhất trên thế giới.

Một là, mâu thuẫn trong khu vực đang dần dịch chuyển từ giữa Iran và các nước Ả Rập vùng Vịnh sang cuộc đối đầu giữa Israel và Iran. Hiện nay, Israel đang trở thành tiêu điểm của xung đột địa chính trị ở Trung Đông. Quyết định của Iran công khai tấn công Israel thể hiện một sự thay đổi lớn trong cuộc chiến trong bóng tối kéo dài hàng thập niên. Trong khi Israel đánh giá sai về cái giá phải trả cho cuộc tấn công vào cơ sở ngoại giao của Iran (thường không phải đối mặt với sự trả đũa trực tiếp từ Tehran) thì quyết định leo thang chiến tranh bóng tối của Iran có nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm lớn hơn. Cho dù Iran công khai không muốn leo thang căng thẳng với Israel nhưng Israel cũng đứng trước áp lực phải trả đũa thế nào với cuộc tấn công vừa qua đối với Iran cho tương xứng và phù hợp. Rõ ràng các biện pháp ngoại giao giải nhiệt căng thẳng hiện nay như "đi trên băng mỏng".

Hai là, nguy cơ xung đột mở rộng là rất lớn. Cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Iran không gây ra nhiều thiệt hại, một phần vì Iran đã báo hiệu trước ý định của mình và khoảng cách cũng là một lợi thế lớn để Israel và đồng minh kịp thời triển khai lưới phòng không đối phó. Từ góc độ chiến thuật, cuộc tấn công không đặt ra thách thức đáng kể đối với hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel, bao gồm Hệ thống phòng không di động Vòm Sắt và Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow. Tuy nhiên, cái giá về kinh tế phải trả để đánh chặn thành công cuộc tấn công của Iran đối với Israel là rất lớn, ước tính vào khoảng 1 tỷ USD, trong khi Iran chỉ phải chi khoảng 100 triệu USD.

Hơn nữa, tầm quan trọng của nó không chỉ nằm ở mức thiệt hại hạn chế mà còn ở bối cảnh rộng hơn, làm tăng thêm nguy cơ xung đột mở rộng sang Trung Đông và xa hơn nữa. Chiến lược răn đe của Israel có thể sẽ yêu cầu một phản ứng nhằm thiết lập tiền lệ ngăn cản các hoạt động trực tiếp của Iran trong tương lai. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiến hành các biện pháp trả đũa một cách thận trọng và không vượt quá giới hạn khi Israel đã lấy lại được sự ủng hộ của Mỹ và EU. Đây chính là cơ hội để chính phủ của ông Netanyahu không những làm dịu đi những chỉ trích hiện nay liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết của người Israel trước áp lực trong nước và quốc tế.

Ba là, tình hình khu vực Trung Đông sẽ có những diễn biến theo chiều hướng vô cùng căng thẳng. Cuộc xung đột Iran - Israel sẽ tạo ra tác động nhiều chiều hướng tới các điểm nóng khác ở Trung Đông, đặc biệt là ở Dải Gaza. Một mặt, cuộc tấn công vừa qua của Iran có thể buộc Israel tập trung vào việc phòng thủ, giảm các hoạt động nhằm vào người Palestine ở Dải Gaza, nhưng mặt khác nguy cơ mở rộng chiến tranh có thể khiến tiến trình ngừng bắn, tìm kiếm hòa bình ở Dải Gaza trở nên khó khăn hơn.

Sự tham gia của các lực lượng thân Iran như Hezbollah hay Houthi có thể khiến quy mô của cuộc chiến lan rộng ra lãnh thổ nhiều nước trong khu vực Trung Đông, từ đó buộc các quốc gia trong khu vực phải triển khai các hoạt động phòng thủ, thậm chí là bị kéo vào cuộc chiến tiềm tàng này.

Bốn là, nếu Israel hành động quyết liệt với Iran như lời đe dọa của giới chức nước này, Trung Đông có nguy cơ bước vào vòng xoáy căng thẳng mới, ảnh hưởng đến cả thế giới. Các lực lượng như các lực lượng vũ trang và các tổ chức dân quân như Hamas của Palestine, Hezbollah tại Li Băng, lực lượng vũ trang Houthi của Yemen, các tổ chức dân quân Iraq và nhiều tổ chức khác sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc đối đầu trong khu vực.

Trên thực tế, sự tham gia của các chủ thể trên ở Trung Đông không phải là điều mới mẻ. Đối với Iran, việc triển khai các "lực lượng kháng chiến" khác nhau để đối đầu với Israel rõ ràng là lựa chọn kinh tế hơn so với việc trực tiếp sử dụng lực lượng quân sự. Vai trò "trụ cột" và "chỉ huy" của Iran đối với các "lực lượng kháng chiến" trong khu vực đã trở nên rõ ràng hơn. Cả hai bên trong thời gian ngắn đã nhanh chóng tích hợp, hình thành mạng lưới liên lạc gắn bó hơn và hệ thống chỉ huy hiệu quả hơn trong thời gian vừa qua.

Hơn nữa, khu vực Biển Đỏ, nơi có nhiều tuyến hàng hải huyết mạch kết nối Á - Âu, có khả năng sẽ bước vào cuộc khủng hoảng mới. Lực lượng Houthi trước đó đã tập kích các tàu hàng của Israel và đồng minh sau khi Tel Aviv mở chiến dịch tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương qua khu vực.

Năm là, sự phối hợp giữa Israel, Mỹ và đồng minh phương Tây cùng 3 quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Xê Út, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong đối phó với cuộc tấn công của Iran vừa qua cho thấy sự xuất hiện của một "liên minh" trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi rằng một "liên minh" vững chắc đã giúp ngăn chặn xung đột lan ra toàn khu vực. Tuy nhiên, phản ứng của Israel sẽ là bài toán kiểm tra tính bền vững của "liên minh" này, nhất là trong bối cảnh các quốc gia Ả Rập tham gia bảo vệ Israel đứng trước nguy cơ hứng chỉ trích nếu Israel đáp trả mạnh mẽ đòn tập kích của Iran, từ đó đẩy khủng hoảng leo thang.

Ông Masoud Mostajabi - Phó giám đốc Chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ, nói rằng đối với các bên tham gia trong khu vực như Jordan, họ có thể lập luận rằng đã hành động để bảo vệ chính đáng không phận của mình. Tuy nhiên, nếu cuộc tấn công trả đũa trong tương lai của Israel leo thang thành một cuộc xung đột Israel - Iran rộng lớn hơn, những bên bảo vệ Israel sẽ bị kéo vào vòng xoáy.

Hiện nay, việc Israel hành động với Iran như thế nào đang là vấn đề mà tất cả các bên cùng quan tâm. Ngọn lửa chiến tranh có thể sẽ khiến tình hình trở nên mất kiểm soát, từ đó khiến cho tiến trình hòa giải khu vực mới nổi lên ở Trung Đông trong 2 năm trở lại đây có thể sẽ đảo chiều biến thành một "làn sóng xung đột" mới. Bên cạnh đó, nguy cơ lan tỏa từ các cuộc tấn công khủng bố cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng.

Một cục diện mới đang thành hình trên vùng đất Trung Đông? - 2

Xác một tên lửa nghi của Iran rơi trên sa mạc hôm 26/4, sau vụ tấn công của Iran vào Israel ít ngày trước đó (Ảnh: Reuters).

Vai trò của các nước?

Những diễn biến vừa qua trong cuộc xung đột Israel - Iran đang tạo ra các tác động đa chiều tới các điểm nóng khác nhau ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là Dải Gaza. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để hạ nhiệt căng thẳng, tránh đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng cũng như đứng trên bờ vực một cuộc chiến lan rộng. Chính vì lẽ đó mà vai trò của các bên hòa giải tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia Hồi giáo là rất quan trọng trong việc giúp kiểm soát tình hình cũng như làm dịu những "cái đầu nóng".

Đối với Mỹ, quan điểm của họ là không muốn chiến sự lan rộng, nhất là trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đang hứng chỉ trích vì ủng hộ các hành động của Israel ở Dải Gaza. Mỹ không muốn uy tín quốc tế của mình tổn hại thêm nữa, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây đang rất cận kề và ông Biden cần thêm nhiều sự ủng hộ hơn nữa của các cử tri Mỹ. Việc kiềm chế các bên để tránh leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông sẽ ghi điểm rất lớn với cử tri Mỹ. Hơn nữa, giúp giảm leo thang xung đột sẽ thúc đẩy Mỹ cải thiện quan hệ với các đồng minh Arab nhất là trong bối cảnh vai trò và vị thế của Trung Quốc ở Trung Đông ngày càng lớn.

Đối với Trung Quốc, rõ ràng họ là một bên trung gian hòa giải đầy tiềm năng. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Iran trong bối cảnh Mỹ gia hạn các lệnh trừng phạt sau khi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) sụp đổ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tehran chia sẻ tầm nhìn của Trung Quốc và Nga về một thế giới đa cực. Hơn nữa, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những chú ý hơn tới khu vực Trung Đông, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết các xung đột ở khu vực này như đóng vai trò là trung gian hòa giải giữa Iran và Ả Rập Xê Út.

Đối với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, họ có thể tham gia và đóng vai trò tích cực trong việc góp phần giảm leo thang căng thẳng. Xung đột lan rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và lợi ích của chính các quốc gia trong thế giới Arab, do đó, họ sẽ tham gia tích cực vào tiến trình hòa giải căng thẳng.

Những diễn biến vừa qua trong cuộc xung đột giữa Israel và Iran cho thấy sự phân tuyến lực lượng, cấu trúc quyền lực và mâu thuẫn ở Trung Đông, vốn đã tồn tại tương đối rõ ràng trong hơn một thập niên qua đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu sắc. Một "cục diện mới" dường như đang thành hình trên vùng đất "nóng" với nhưng mâu thuẫn về lợi ích, sự phức tạp trong cân bằng lực lượng và đối đầu trong khu vực cũng như tính chất các cuộc chiến.

Tình hình hiện nay ở khu vực Trung Đông đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết bởi mối đe dọa về một cuộc chiến tranh toàn diện tàn khốc giữa những kẻ thù truyền kiếp ở Trung Đông đang hiện hữu. Bất kỳ tính toán sai lầm và hành động vội vàng nào của các bên liên quan đều có thể châm ngòi cho xung đột, đẩy vùng đất vốn được coi là bất ổn nhất thế giới bên bờ vực chiến tranh. Chính vì vậy, cần nhiều hơn nữa các nỗ lực hậu trường cũng như công khai để cố gắng ngăn chặn điều này cho dù vào thời điểm này, các nỗ lực ngoại giao đều giống như "đi trên băng mỏng".

Theo CNBC, Economist, FT, Foreign Policy